Với bất kỳ cây cầu nào ở Việt Nam đều có những nét dấu ấn riêng và vẻ đẹp riêng của nó. Tuy nhiên, bài viết muốn nói đến một cây cầu thép đầu tiên của Hà Nội, cây cầu đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử và là nhịp nối sự sống của đôi bờ hơn 100 năm qua - cầu Long Biên, Hà Nội.
Hơn 100 năm trước, vào tháng 9/1898, toàn quyền Đông Dương đã làm lễ khởi công một cây cầu vắt ngang dòng sông Mẹ. Cầu được đặt tên là Paul Doumer, người Hà Nội vẫn gọi là cầu Long Biên hay cầu sông Cái. Cầu Long Biên được thiết kế bởi kiến trúc sư Gustave Eiffe, cha đẻ của tháp Eiffel, biểu tượng nước Pháp. Thay cho những công nhân Trung Quốc được tuyển trước đó, bằng sự khéo léo, tinh nhanh, năng động, chính những người thợ Việt Nam đã lắp ráp các cấu kiện kim khí, tán đinh chốt, sử dụng cần cẩu... dưới sự hướng dẫn của các kỹ sư người Pháp.
Vị trí được chọn để xây cầu đúng ngay vị trí mà chiếc tàu của Pháp nổ súng bắn vào Ô Quan Chưởng và Cửa Bắc trước đó. Cầu gồm 20 bệ trụ xây và mố, với chiều sâu 30m và cao 13,5m tính mức nước thấp nhất. Phía hữu ngạn có cầu vòm dài 800m, toàn thân cầu là 2.500m. Chiều dài toàn cầu 1.862 m, gồm 19 nhịp dầm thép và đường dẫn xây bằng đá. Nét độc đáo nhất của cây cầu là đường bộ hai bên, đường sắt ở giữa lối đi bên trái. Tháng 2/1902, việc xây dựng cầu đã hoàn tất, cũng là nối liền con đường Hà Nội, Hải Phòng và đặt khúc đường sắt đầu tiên của tuyến đường xuyên Đông Dương.
Cầu Long Biên đã từng là cây cầu dài thứ hai trên thế giới - được mệnh danh là tháp Eiffel nằm ngang của Hà Nội - chỉ sau cầu Brooklyn bắc qua sông East-River của Mỹ. Đây còn là công trình kiến trúc sắt thép duy nhất và đồ sộ nhất ở Đông Nam Á thời bấy giờ. Cầu không chỉ là ký ức của bao thế hệ người Hà Nội mà còn là chứng tích của lịch sử đau thương và anh hùng Việt Nam. Hai sự kiện nổi bật trong thế kỷ XX của dân tộc Việt Nam là cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1954, trả lại quyền độc lập cho dân tộc Việt Nam. Tiếp đến là những năm tháng chiến tranh ác liệt chống Mỹ, tuy chịu nhiều bom đạn nhưng cầu Long Biên vẫn đứng vững đến ngày hôm nay.
Ngoài kiến trúc và lối thiết kế bằng sắt thép khá ấn tượng, cầu Long Biên còn được biết đến với ý nghĩa, đó cũng là một trong những cây cầu mang tính nhân bản ở Việt Nam. Cây cầu được thiết kế và xây dựng dựa trên yếu tố con người, vì con người, phục vụ cho cuộc sống và nhu cầu hằng ngày của con người. Cây cầu gồm có đường sắt đơn chạy ở giữa, hai bên là đường dành cho xe cơ giới và đường đi bộ. Đường cho các loại xe rộng 2,6m và luồng đi bộ rộng 0,4m. Thời xưa, trên cầu Long Biên còn có cả ghế đá dành cho những người đi bộ, họ thong dong và ngắm cảnh sông Hồng mỗi khi hoàng hôn buông xuống. Một chiếc cầu có tất cả các phần đường dành cho người đi bộ, đi xe cơ giới và tàu. Chính vì vậy, cây cầu dài này đã trở thành một phần đáng nhớ trong tâm thức mỗi người dân sống ở Hà Nội mà không phải cây cầu nào cũng có được.
Đã từng có người viết nên những câu thơ nhẹ nhàng, giản dị mà sâu lắng về cây cầu lịch sử này:
“Hà Nội có cầu Long Biên
Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng
Tàu xe đi lại thong dong
Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi...”.
Hiền lành và chở che, với những giá trị của quá khứ lắng đọng trên từng nhịp, cầu Long Biên đã, đang và sẽ mãi là biểu tượng; là niềm tự hào của người dân Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét