Nếu như trước kia ít người biết đến món ốc núi thì giờ đây ốc núi đã trở thành lựa chọn của rất nhiều người, nhất là dân nhậu. Có lẽ chính cái vị ngọt thanh, chút hương lá rừng lạ lạ đã kéo người ta đến với món ốc núi.
Ốc núi có ở hầu hết các địa phương trong tỉnh ta, nhưng nhiều nhất ở các dãy núi đá vôi thuộc thị xã Tam Điệp, Yên Mô, Nho Quan. Chúng thường chỉ xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, tức là vào mùa mưa, khi thời tiết ẩm ướt. Những tháng còn lại chúng vùi mình dưới đất, trong các khe đá hoặc các lớp lá dày. Thức ăn chính của ốc này là những loại cây cỏ mọc hoang trên núi trong đó có cả những cây thuốc quý. Vì vậy khi sơ chế ốc núi người ta thường không ngâm kỹ để ốc mửa ra như các loại ốc khác mà chỉ rửa sơ qua vì cho rằng trong người con ốc mang nhiều vị thuốc. ốc núi có thể chế biến thành nhiều món: hấp gừng, xào sả ớt, trộn gỏi... Thịt ốc núi dai, giòn, ngọt. Ăn ốc núi nên ăn cả con không bỏ ruột, khi ăn nhai chậm và kỹ mới thấm được vị mát lành, thơm mùi thuốc Bắc.
Bạn muốn tìm mua một ít ốc núi về ăn thử thì có thể đến các chợ ở thị xã Tam Điệp, Yên Mô. ốc ở đây được bán rất nhiều, nhưng một chú ý là bạn chỉ có thể tìm mua được chúng sau những trận mưa rào. Giá 1kg ốc khá rẻ chỉ vào khoảng 40-60 nghìn đồng/kg. Còn nếu bạn là người thích khám phá thì có thể tự vào núi bắt ốc.
Nhìn những con ốc thật hay, chúng không phát triển theo chiều dọc như ốc nhồi mà phát triển theo chiều ngang, mình dẹp, to trung bình 2 đốt ngón tay, miệng loe ra có mầu trắng sữa.
Ốc núi là một món ăn đặc sản thú vị, tuy nhiên việc giới thiệu khai thác đưa vào thực đơn ẩm thực Ninh Bình vẫn chưa được chú ý. Hơn thế nữa hiện nay ốc núi đang bị người dân khai thác tràn lan; mùa khai thác ốc trùng với mùa sinh sản của chúng nên nếu không sớm có quy hoạch thì loài ốc này có nguy cơ bị suy giảm nghiêm trọng. Tạo môi trường thuận lợi để ốc núi sinh sản, phát triển là vấn đề đặt ra cần được quan tâm.
Nguồn: Báo Ninh Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét